Luật Bảo vệ môi trường 2020 được thông qua vào ngày 17/11/2020 tại Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 sẽ thay thế cho Luật Bảo vệ môi trường 2014. Trong đó, một số quy định mới nhằm cải thiện, cắt giảm trên 40% các thủ tục hành chính và đồng thời giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 20-85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định. Đồng thời, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Một số điểm nổi bật có thể nêu như sau:
-
Nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Điều 60 quy định: Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định…
-
Khoản 2 Điều 77 nêu rõ: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng bao bì của chất thải rắn sinh hoạt khác theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 75 của luật này.
-
Khoản 1 Điều 79: Tính giá thu gom rác sinh hoạt theo khối lượng/thể tích. Theo đó, căn cứ vào khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại mà tính giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân.
-
Điều 29 bổ sung đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Cụ thể là các dự án đầu tư thuộc vào nhóm I được quy định tại khoản 3 Điều 28.
-
Từ Điều 39 đến Điều 49 quy định về Giấy phép bảo vệ môi trường, trong đó phân ra làm 3 nhóm quy định thuộc đối tượng phải có Giấy phép môi trường.
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020 bổ sung và thay đổi một số quy định so với Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Một số quy định đáng lưu ý bao gồm việc nâng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực: giao thông đường bộ, thuỷ lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí,... được quy định cụ thể tại khoản 10 Điều 1. Chẳng hạn như:
-
Lĩnh vực giao thông đường bộ nâng mức phạt tối đa từ 40.000.000 đồng lên 75.000.000 đồng.
-
Lĩnh vực báo chí nâng mức phạt tối đa từ 100.000.000 đồng lên 250.000.000 đồng.
Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 1, nguyên tắc xử phạt hành chính có sự thay đổi. Cụ thể khi một người vi phạm nhiều hành vi vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần đó được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Một số bổ sung khác bao gồm về chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính như: Kiểm toán nhà nước, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng. Bổ sung thêm một số lĩnh vực được sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính tại Điều 64 như: phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống ma túy, phòng, chống tác hại của rượu, bia và lĩnh vực khác do Chính phủ quy định sau khi được sự đồng ý của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Có sự thay đổi đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn và biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng:
-
Biện pháp giáo dục tại xã phường, thị trấn: Bãi bỏ đối tượng là người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.
-
Biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng: Bổ sung đối tượng là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý quy định tại Bộ luật Hình sự.
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020 có một số quy định nổi bật.
Tại Điều 20 Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 vẫn cho phép doanh nghiệp thu tiền môi giới của người lao động. Tuy nhiên tại khoản 8 Điều 7 của Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 thì quy định nghiêm cấm việc thu tiền môi giới của người lao động.
Một số quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động Việt Nam ở nước ngoài như sau: Điều 5 cho phép các bên thỏa thuận bằng văn bản việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Điểm g khoản 1 Điều 6 cho phép người xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước tiếp nhận lao động nếu Việt Nam và nước đó đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Điểm đ khoản 1 Điều 6 quy định người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Luật Biên phòng Việt Nam 2020 bổ sung chính sách Nhà nước về biên phòng. Cụ thể tại Điều 3 nêu ra 7 chính sách về đặc thù phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại ở khu vực biên giới. Trong đó, Luật cũng bổ sung nội dung về “Khuyến khích, tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, tài chính, tinh thần cho thực hiện nhiệm vụ biên phòng trên nguyên tắc tự nguyện, không trái với pháp luật Việt Nam và phù hợp với luật pháp quốc tế” nhằm đảm bảo phù hợp với chính sách của Nhà nước về quốc phòng được quy định tại khoản 5 Điều 4 Luật Quốc phòng.
Tại Điều 4 và Điều 5 quy định về nhiệm vụ biên phòng và nguyên tắc thực thi. Hiện hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới và cửa khẩu có nhiều chủ thể thuộc nhiều bộ, ngành Trung ương (chính quyền địa phương, Công an, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, Cảng vụ, Hải quan, Kiểm lâm, Kiểm dịch, Kiểm ngư, Quản lý thị trường…) tham gia xây dựng và quản lý nên Luật Biên phòng Việt Nam chỉ quy định chung các nhiệm vụ cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng chứ không cụ thể cho từng lực lượng.
Một số bổ sung khác bao gồm: Bổ sung các trường hợp hạn chế chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới tại cửa khẩu, lối mở biên giới đất liền như: xung đột vũ trang; xảy ra khủng bố; bắt cóc con tin; khi có đề nghị hoặc thông báo của Chính phủ, chính quyền địa phương hoặc lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới của nước có chung đường biên giới về việc hạn chế hoặc tạm dừng qua lại biên giới tại khoản 1 Điều 11. Bổ sung chính sách được ưu tiên giao đất ở khi có nhu cầu đối với Bộ đội biên phòng khi đáp ứng đủ điều kiện có thời gian từ 5 năm trở lên và có nhu cầu chuyển gia đình đến định cư ổn định cuộc sống lâu dài ở khu vực biên giới, hải đảo.
Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 30/3/2021 nhấn mạnh hai điểm: "Ưu tiên nguồn lực phòng, chống ma túy cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo, khu vực biên giới và địa bàn phức tạp về ma túy", "Cán bộ, chiến sĩ thuộc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy, người làm công tác cai nghiện ma túy trong các cơ sở cai nghiện ma túy công lập được hưởng chế độ, chính sách ưu đãi phù hợp với tính chất nhiệm vụ, địa bàn hoạt động theo quy định của Chính phủ".
Trong đó, Luật có những quy định mới so với Luật Phòng, chống ma túy năm 2000, sửa đổi, bổ sung năm 2008. Cụ thể ở các điểm:
Quy định cụ thể trường hợp bị xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể tại Điều 22, từ đó các cơ quan chức năng có căn cứ khách quan xác định người có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý. Điều 23 quy định việc quản lý, theo dõi và hỗ trợ người sử dụng trái phép chất ma túy ngay từ lần đầu sử dụng và không được xem là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Luật quy định cụ thể về việc xác định tình trạng nghiện ma tuý.Trong đó có 4 đối tượng phải thực hiện xác định tình trạng nghiện ma tuý:
-
Người bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
-
Người mà cơ quan, người có thẩm quyền có căn cứ cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
-
Người sử dụng trái phép chất ma túy đang trong thời hạn quản lý;
-
Người đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn do có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy; đang cai nghiện ma túy; đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; đang trong thời hạn quản lý sau cai nghiện ma túy.
Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phân loại, quản lý đối tượng và áp dụng các biện pháp quản lý, cai nghiện phù hợp. Có 4 trường hợp phải đi cai nghiện bắt buộc được quy định:
-
Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện;
-
Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy;
-
Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị do vi phạm quy định về điều trị nghiện;
-
Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện.
Nội dung quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý bao gồm:
-
Tư vấn, động viên, giáo dục, giúp đỡ người sử dụng trái phép chất ma túy để họ không tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy;
-
Xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể;
-
Ngăn chặn người sử dụng trái phép chất ma túy có hành vi gây mất trật tự, an toàn xã hội.
Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2, sửa đổi bổ sung khoản 6 Điều 17, điểm d khoản 2 Điều 48 và thay thế Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành theo Luật Thống kê số 89/2015/QH13.
Trong đó, Luật thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015 bằng Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia ban hành kèm theo Luật Thống kê sửa đổi 2021. Phụ lục Danh mục mới bao gồm 21 nhóm với 230 chỉ tiêu và một số nội dung được bổ sung.
Một số sửa đổi bổ sung cần lưu ý:
-
Bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với bộ, ngành và địa phương xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
-
Bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành và địa phương định kỳ 5 năm, rà soát quy mô tổng sản phẩm trong nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định về việc đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước
-
Sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền công bố thông tin thống kê của người đứng đầu cơ quan thống kê cấp tỉnh đối với thông tin thống kê của chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh là phân tổ của chỉ tiêu thống kê quốc gia. Thứ tư, thay thế Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia kèm theo Luật Thống kê 2015.
Những chỉ tiêu được này có tầm quốc gia và phản ánh bao quát những nội dung cơ bản, cốt lõi về kinh tế, xã hội và môi trường. Chia ra 2 nhóm cụ thể:
-
Nhóm 01 (đất đai, dân số) được bổ sung chỉ tiêu: Số vụ ly hôn và tuổi ly hôn trung bình; Tỷ lệ đô thị hóa.
-
Nhóm 02 (Lao động, việc làm và bình đẳng giới) được bổ sung chỉ tiêu: Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức; Tỷ lệ người từ 05-17 tuổi tham gia lao động.