Chuyện đầu tư của cá nhân: cẩn trọng với các dự án ảo và kế hoạch kinh doanh

Là nhà đầu tư, trước khi bỏ tiền vào một dự án, một công ty hoặc đặt bút ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh, khả năng sinh lời luôn là yếu tố được tính đến đầu tiên. Do đó, khi được đề xuất một dự án hay, một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, với các phương án kinh doanh “không thể nào mà lỗ được” cùng với những lời cam kết về lợi nhuận…, không phải nhà đầu tư nào cũng đủ sáng suốt để xác minh lại những thông tin dự  án  hay kế hoạch được đề xuất đầu tư ấy trước khi bỏ tiền. Để rồi sau vài năm, không nhận được những lợi ích như đã hứa họ mới vỡ lẽ và tìm kiếm sự trợ giúp từ pháp luật và các cơ quan công quyền.

Trong một số vụ việc mà người viết tham gia giải quyết và tư vấn cho những nhà đầu tư bị lừa đảo gần đây, việc kêu gọi đầu tư thường dựa trên một mô típ: Nhà đầu tư được kêu gọi kêu gọi góp vốn vào công ty mẹ (là công ty trách nhiệm hữu hạn), sở hữu các công ty vệ tinh (để quản lý dự án). Trong hồ sơ kêu gọi góp vốn đầu tư, bên kêu gọi góp vốn thường đưa ra những bằng chứng về các dự án đang thực hiện đầy hứa hẹn, cũng như kế hoach kinh doanh và bài toán phân chia lợi nhuận rất chi tiết. Không chỉ vậy, họ cũng đưa hình ảnh và thông tin của những cá nhân uy tín vào hồ sơ kêu gọi đầu tư để gia tăng niềm tin.

Những mâu thuẫn từ chính hồ sơ kêu gọi góp vốn

Về tính xác thực của các dự án kêu gọi đầu tư: Mặc dù các pháp nhân được ghi nhận trong hồ sơ kêu gọi đầu tư thật sự tồn tại, nhưng những thông tin về dự án thường cũng chỉ là thông tin ảo, không hề có bằng chứng chứng minh. Thậm chí, trong một số trường hợp,  các cá nhân có uy tín và được đưa vào hồ sơ gọi vốn còn không biết đến việc đó.

Về hình thức kêu gọi đầu tư: Nhà đầu tư bỏ tiền vào một công ty để đầu tư thường thông qua hai hình thức chủ yếu: cho vay và góp vốn đầu tư thông qua hợp đồng hợp tác hoặc mua vốn của công ty. Trong đó, hoạt động góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp là phương án thường được yêu thích hơn bởi những người kêu gọi đầu tư vì đồng thời các khoản tiền đã đầu tư sẽ không phải hoàn trả lại (trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác), đồng thời lợi ích mà nhà đầu tư được hưởng sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Trong các vụ việc nêu trên, việc kêu gọi góp vốn được thực hiện theo hình thức phân chia phần đầu tư và các đợt đầu tư đều dựa trên cơ chế cổ phần. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy vào loại hình của doanh nghiệp mà doanh nghiệp đó có thể được thực hiện các hình thức huy động vốn khác nhau. Trong đó, nếu nhà đầu tư góp vốn vào một công ty TNHH thì cần đặc biệt lưu ý là loại hình Công ty TNHH không được phép phát hành cổ phẩn để huy động vốn (khoản 3 Điều 47 Luật DN 2014). Bên cạnh đó, mỗi lần, tiếp nhận thêm vốn và thành viên thì Công ty TNHH đều phải thực hiện thủ tục đăng ký tại Sở kế hoạch đầu tư và số thành viên tối đa của Công ty không vượt quá 50. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, sau khi nhà đầu tư đã chuyển tiền góp vốn đầy đủ lại không hề được ghi nhận là thành viên hợp pháp của Công ty, không được tham gia vào việc quản lý, điều hành công ty, thậm chí không được hưởng lợi nhuận theo cam kết hoặc theo bảng kế hoạch kinh doanh đã đưa ra trước đó vì lý do công ty kinh doanh “lỗ”  – theo báo cáo của những người điều hành, cũng chính là các cá nhân đã kêu gọi đầu tư trước đó.

Về giá trị đầu tư: trong các hồ sơ kêu gọi đầu tư nêu trên, số tiền mà nhà đầu phải góp theo một suất đầu tư thường khá lớn, trong khi đó tỷ lệ phần vốn góp mà nhà đầu tư sở hữu tại công ty thường chỉ chiếm 5-10%. Nếu sử dụng phần vốn đầu tư được kêu gọi để quy đổi ra giá trị của công ty sẽ thấy giá trị được định giá của Công ty mẹ thường được đẩy lên mức rất cao, trong khi vốn điều lệ của công ty thì thấp và các dự án của Công ty thì vẫn nằm trên giấy, không có một cơ sở nào để xác định.

Về cam kết lợi nhuận: Bên cạnh những thông tin về dự án hay người điều hành, những người kêu gọi đầu tư còn đưa một mô hình kinh doanh rất thuyết phục cùng với một bài toán lợi nhuận cùng với cam kết về khoản lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng từ hoạt động kinh doanh của Công ty.  Nhưng trước khi tiến hành hoạt động kinh doanh, không ai có thể đảm bảo được công ty sẽ luôn sinh lời, những số liệu đưa ra tại bảng kế hoạch đầu tư chỉ là những số liệu trên giấy.

Trên thực tế, cũng không hiếm những trường hợp, bên kêu gọi đầu tư đưa ra những cam kết về lợi nhuận để nhà đầu tư tin tưởng bỏ vốn, nhưng đến khi nhận đủ tiền đầu tư thì không thanh toán lại cho nhà đầu tư lợi nhuận theo cam kết và có dấu hiệu đóng cửa công ty và bỏ trốn…

Trên đây chỉ là một ví dụ cho việc lợi dụng vỏ bọc kêu gọi đầu tư để chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư. Trên thực tế, các hình thức, thủ đoạn sử dụng các dự án kinh doanh ảo, kế hoạch kinh doanh và cam kết lợi nhuận ảo để  tạo lòng tin cho nhà đầu tư nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản còn đa dạng và tinh vi hơn nhiều. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân cần cảnh giác, kiểm tra kỹ thông tin về dự án trước khi đầu tư, tham vấn luật sư hoặc chuyên gia để giảm thiểu rủi ro đầu tư vào dự án ảo.