• MAGNOLIA LAW
  • Tầng Trệt, Tòa nhà TP HOMES, Số 9 Võ Thị Sáu, Phường Đa Kao, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
  • 0933500006
  • Thứ 2 - thứ 7 | 8:00am- 18:00pm
  • Hoạt động bán lẻ của những nhà đầu tư nước ngoài

    1.Một số thách thức đối với hoạt động bán lẻ mà Nhà Đầu Tư nước ngoài cần lưu ý trước khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

    Theo kết quả “Tổng điều tra dân số 2019” của Tổng Cục thống kê, dân số Việt Nam có hơn 96 triệu dân và trở thành quốc gia đứng thứ 15 đông dân nhất trên thế giới. Điều này cho thấy, nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam là khá cao. Đây cũng chính là lợi thế của Việt Nam, khi đã thu hút hàng loạt Nhà Đầu Tư nước ngoài trên thế giới đầu tư và phát triển trị trường bán lẻ tại Việt Nam, đồng thời tạo nên một cơn sốt ngành bán lẻ và một thị trường cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp nội địa.

    Ngoài ra, ngành bán lẻ là ngành nghề được Việt Nam mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các Nhà Đầu Tư nước ngoài là thành viên của WTO dễ dàng tiếp cận và phát triển nó. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam và lập tổ chức kinh tế cho hoạt động bán lẻ, nhưng điều kiện để tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động bán lẻ có thể là điều các Nhà Đầu Tư nước ngoài cần lưu tâm.

    Theo quy định tại Nghị định 09/2018/NĐ-CP Quy Định Chi Tiết Luật Thương Mại Và Luật Quản Lý Ngoại Thương Về Hoạt Động Mua Bán Hàng Hóa Và Các Hoạt Động Liên Quan Trực Tiếp Đến Mua Bán Hàng Hóa Của Nhà Đầu Tư Nước Ngoài, Tổ Chức Kinh Tế Có Vốn Đầu Tư Nước Ngoài Tại Việt Nam đã quy định rõ việc các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện xin giấy phép kinh doanh, và giấy phép lập cơ sở bán lẻ trước khi hoạt động.

    Vậy hoạt động bán lẻ là gì? Theo quy định tại Khoản 7 Điều 3 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì “Bán lẻ là hoạt động bán hàng hóa cho cá nhân, hộ gia đình, tổ chức khác để sử dụng vào mục đích tiêu dùng.” Với định nghĩa về hoạt động bán lẻ này, phải chăng cũng đã làm các Nhà Đầu Tư bối rối trong việc xác định mục đích kinh doanh cho từng sản phẩm, hàng hóa. Bởi lẽ, đối với nhiều tổ chức phân phối hàng hóa đa dạng bao gồm cả hoạt động bán buôn (là hoạt động bán hàng hóa cho thương nhân bán buôn, thương nhân bán lẻ và thương nhân, tổ chức khác; không bao gồm hoạt động bán lẻ[1]) và hoạt động bán lẻ thì họ cần xác định đối tượng sử dụng hàng hóa để từ đó mới có thể xác định đây là hoạt động bán buôn hay bán lẻ.

    Trước khi xin cấp các giấy phép hoạt động bán lẻ, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần xác định các vấn đề sau để có thể xác định các loại giấy phép cần thiết để xin cấp phép:

    • Hoạt động bán lẻ thông qua Website công ty, hoặc các Website thương mại điện tử, hoặc bằng hình thức khác mà không thông qua lập cơ sở bán lẻ để bán hàng hóa trực tiếp tại cửa hàng; hay
    • Hoạt động bán lẻ thông qua lập cơ sở bán lẻ.

    Đối với phương thức (1), tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần xin cấp giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ nhưng không thành lập cơ sở bán lẻ.

    Đối với phương thức (2), tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần xin hai (02) giấy phép sau:

    • Giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ có lập cơ sở bán lẻ; và
    • Giấy phép lập cơ sở bán lẻ đối với từng địa điểm kinh doanh bán lẻ.

    Ngoài ra, trước khi Nhà Đầu Tư nước ngoài dự định hoạt động bán lẻ tại thị trường Việt Nam, các Nhà Đầu Tư cần xác định cụ thể, rõ ràng kế hoạch kinh doanh, định hướng thị trường, phương thức hoạt động, và sự phân bổ tài chính cũng như nguồn nhân sự phục vụ cho hoạt động bán lẻ tại thị trường Việt Nam để có thể chứng minh cho các cơ quan cấp phép thấy khả năng cũng như sự đầu tư nghiêm túc của các Nhà Đầu Tư tại Việt Nam, cụ thể như sau:

    • Loại hàng hóa bán lẻ;
    • Nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, công dụng và lợi thế cạnh tranh giữa hàng hóa mà Nhà Đầu Tư dự định kinh doanh so với những hàng hóa đã có mặt tại thị trường Việt Nam;
    • Nhà cung cấp dự kiến hợp tác để cung cấp hàng hóa cho công ty;
    • Kho chứa hàng hóa để phục vụ cho việc giao hàng đến các cửa hàng bán lẻ hoặc giao đến Người Tiêu dùng;
    • Số vốn dự kiến đầu tư;
    • Kế hoạch tài chính của ít nhất 03 năm cho sự đầu tư và phát triển thị trường bán lẻ tại Việt Nam;
    • Kế hoạch nhân sự phục vụ cho hoạt động bán lẻ;
    • Khu vực thị trường dự kiến lựa chọn kinh doanh bán lẻ và địa điểm kinh doanh bán lẻ dự kiến (trong Trung tâm thương mại hay ngoài Trung tâm thương mại, diện tích, quy mô cơ sở bán lẻ);
    • Kinh nghiệm Nhà đầu tư cho hoạt động bán lẻ hoặc những thế mạnh của Nhà Đầu Tư để có thể phát triển hoạt động bán lẻ tại Việt Nam, cũng như mang đến một nguồn đóng góp vào ngân sách Nhà Nước.

    Sau khi, Nhà Đầu Tư đã hoàn tất thủ tục thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam, tổ chức kinh tế sau khi được thành lập sẽ thực hiện việc xin Giấy Phép Kinh Doanh tại Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt trụ sở chính, và Giấy Phép Lập Cơ Sở Bán Lẻ tại Sở Công Thương nơi tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đặt cơ sở bán lẻ.

    Trên đây là một số thách thức đối với hoạt động bán lẻ mà Nhà Đầu Tư nước ngoài cần lưu ý trước khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

    2.Một số điều kiện cụ thể để tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xin cấp giấy phép kinh doanh cho hoạt động bán lẻ.

    Theo khoản 1 Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP thì Giấy phép kinh doanh được cấp cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài để thực hiện các hoạt động sau:

    • Thực hiện quyền phân phối bán lẻ hàng hóa, không bao gồm các hàng hóa “gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí”;
    • Thực hiện quyền nhập khẩu, quyền phân phối bán buôn hàng hóa “dầu, mỡ bôi trơn”;
    • Thực hiện quyền phân phối bán lẻ các hàng hóa “gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí”;
    • Cung cấp dịch vụ logistics; trừ các phân ngành dịch vụ logistics mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
    • Cho thuê hàng hóa, không bao gồm cho thuê tài chính; trừ cho thuê trang thiết bị xây dựng có người vận hành;
    • Cung cấp dịch vụ xúc tiến thương mại, không bao gồm dịch vụ quảng cáo;
    • Cung cấp dịch vụ trung gian thương mại;
    • Cung cấp dịch vụ thương mại điện tử;
    • Cung cấp dịch vụ tổ chức đấu thầu hàng hóa, dịch vụ.

    Như vậy, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ phải xin Giấy Phép Kinh Doanh đối với hoạt động bán lẻ.

    Điều kiện để được cấp Giấy Phép Kinh Doanh cho hoạt động bán lẻ như sau:

    (i) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa thì cần đáp ứng các điều kiện sau:

    1. Đáp ứng điều kiện về tiếp cận thị trường tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần xác định Quốc Gia mà thành viên góp vốn/ cổ đông/ chủ sở hữu có tham gia các hiệp định thương mại, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay không. Từ đó Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sẽ xác định được điều kiện cần đáp ứng để được hoạt động bán lẻ tại thị trường Việt Nam.

    2. Có kế hoạch về tài chính cho hoạt động bán lẻ: tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần lên kế hoạch cụ thể về việc phân bổ nguồn tài chính như:

    • Chi phí cho hoạt động bán lẻ dự kiến trong 03 năm kể từ khi bắt đầu hoạt động;
    • Chi phí cho nguồn nhân lực (các vị trí nhân sự phục vụ cho hoạt động bán lẻ);
    • Chi phí phát triển thị trường, marketing và quảng bá thương hiệu, hàng hóa;
    • Chi phí nguồn nguyên liệu đầu vào;
    • Chi phí thuê văn phòng, địa điểm bán lẻ (nếu có);
    • Chi phí nộp vào ngân sách nhà nước;
    • Phương án huy động vốn trong trường hợp kinh doanh thua lỗ.

    3. Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên:

    Trường hợp Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam từ 1 năm trở lên, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần hoàn tất các nghĩa vụ về thuế trước khi chuẩn bị cho hoạt động bán lẻ. Cơ quan cấp phép cần Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cung cấp xác nhận không nợ thuế được Cơ quan quản lý thuế của tổ chức cấp.

    Do đó, đây cũng là một điều kiện quan trọng và đáng lưu ý đối với các Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đang còn các khoản nợ thuế tồn đọng chưa có khả năng thanh toán.

    (ii) Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên thì cần đáp ứng các điều kiện sau:

    1. Đáp ứng các điều kiện tương tự như đối với trường hợp (i) gồm: Có kế hoạch về tài chính cho hoạt động bán lẻ và Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên;

    2. Đáp ứng tiêu chí sau:

    • Phù hợp với quy định của pháp luật chuyên ngành;
    • Phù hợp với mức độ cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước trong cùng lĩnh vực hoạt động: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần phân tích và đánh giá khả năng cạnh tranh của tổ chức với các tổ chức khác đang hoạt động tại thị trường Việt Nam với cùng lĩnh vực hàng hóa phân phối bán lẻ. Từ đó, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nêu được thế mạnh của tổ chức để cơ quan cấp phép thấy được tìm năng và giá trị sản phẩm của tổ chức có thể mang lại nhiều lợi ích tại thị trường Việt Nam và là một trong những cơ sở để chấp thuận việc cấp phép;
    • Khả năng tạo việc làm cho lao động trong nước: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đánh giá khả năng tạo việc làm cho lao động Việt Nam như liệt kê số lượng lao động cần tuyển dụng, vị trí công việc của các lao động..;
    • Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đưa ra số liệu dự kiến từ 3-5 năm về doanh thu, chi phí, thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng sẽ đóng góp vào ngân sách nhà nước.

    (iii) Trường hợp hàng hóa kinh doanh chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên gồm: gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí thì Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:

    1. Đáp ứng các điều kiện được nêu thuộc trường hợp (ii);

    2. Cơ quan cấp phép chỉ xem xét cấp phép hoạt động bán lẻ cho tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã có cơ sở bán lẻ dưới hình thức siêu thị, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi để bán lẻ tại các cơ sở đó.

    3. Điều kiện bắt buộc cơ sở bán lẻ cần đáp ứng và cần được Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài xem xét và lưu tâm khi chuẩn bị kinh doanh cơ sở bán lẻ hàng hóa.

    Căn cứ theo quy định tại Điều 22 Nghị định 09/2018/NĐ-CP, đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất thì Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện sau:

    – Có kế hoạch về tài chính để lập cơ sở bán lẻ: tương tự như đối với điều kiện xin giấy phép kinh doanh, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng cần lên kế hoạch cụ thể về việc phân bổ nguồn tài chính cho cơ sở bán lẻ dự kiến xin cấp phép. Cụ thể các tiêu chí cần xác định và phân bổ nguồn tài chính, xin xem lại nội dung tại kỳ 2.

    – Không còn nợ thuế quá hạn trong trường hợp đã được thành lập tại Việt Nam từ 01 năm trở lên: điều kiện này cũng là điều kiện không thể thiếu để chứng minh Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã chấp hành tốt các nghĩa vụ về thuế với cơ quan nhà nước. Đồng thời, thể hiện nguồn tài chính không yếu kém.

    – Địa điểm lập cơ sở bán lẻ phù hợp với quy hoạch có liên quan tại khu vực thị trường địa lý: tùy thuộc vào địa điểm cơ sở bán lẻ sẽ tương ứng với các điều kiện cần đáp ứng. Cụ thể như sau:

    • Đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chỉ cần đáp ứng các điều kiện trên. Tuy nhiên, địa điểm cơ sở bán lẻ phải đáp ứng các điều kiện về Phòng cháy chữa cháy thể hiện thông qua biên bản kiểm tra phòng cháy chữa cháy của Phòng cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quản lý tại Cơ sở bán lẻ. Ngoài ra, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần có hợp đồng thuê địa điểm để lập cơ sở bán lẻ với chủ sở hữu địa điểm bán lẻ hoặc Biên bản ghi nhớ về việc thuê địa điểm này.
    • Đối với cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất: gồm 02 trường hợp sau:

    Trường hợp 1: Địa điểm cơ sở bán lẻ trong Trung tâm thương mại có diện tích dưới 500m2:

    Đối với trường hợp này, Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cũng chỉ cần đáp ứng các điều kiện tương tự như đối với cơ sở bán lẻ thứ nhất.

    Trường hợp 2: Địa điểm cơ sở bán lẻ ngoài Trung tâm thương mại hoặc trong Trung tâm thương mại có diện tích trên 500m2:

    Đối với trường hợp này, cơ sở bán lẻ phải được kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) thông qua một Hội đồng do Uỷ Ban Nhân Dân cấp tỉnh nơi lập cơ sở bán lẻ thành lập trên cơ sở đề xuất của Cơ quan cấp Giấy phép gồm các cơ quan sau: Đại diện Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh hoặc đại diện cơ quan được Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh ủy quyền làm Chủ tịch Hội đồng ENT; đại diện Sở Công Thương, Sở Kế hoạch và Đầu tư và các sở, ban, ngành, tổ chức có liên quan làm thành viên hội đồng ENT. Trường hợp địa điểm lập cơ sở bán lẻ có vị trí tại khu vực địa lý cấp phường, xã, thị trấn tiếp giáp với tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương khác thì Hội đồng ENT phải có đại diện của Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh/thành phố tiếp giáp.

    Hội đồng ENT sẽ dựa trên các tiêu chí sau để đánh giá sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ:

    – Quy mô của khu vực thị trường địa lý chịu ảnh hưởng khi cơ sở bán lẻ hoạt động: điều này thể hiện thông qua việc xác định tác động của cơ sở bán lẻ đến khu vực nơi cơ sở bán lẻ dự kiến hoạt động có mang lại lợi ích hay không.

    – Số lượng các cơ sở bán lẻ đang hoạt động trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần rà soát và kiểm tra các cơ sở bán lẻ có nhóm ngành tương tự để xác định lợi thế của cơ sở bán lẻ và phương án cạnh tranh với các cơ sở bán lẻ khác trên cùng khu vực thị trường địa lý.

    • Tác động của cơ sở bán lẻ tới sự ổn định của thị trường và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ, chợ truyền thống trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần nêu những điểm khác biệt giữa hàng hóa của cơ sở bán lẻ và hàng hóa tại các khu chợ truyền thống để thể hiện việc lập cơ sở bán lẻ này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các khu chợ truyền thống.
    • Ảnh hưởng của cơ sở bán lẻ tới mật độ giao thông, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần giải trình cụ thể về các phương án ổn định trật tự giao thông, có nơi để xe cho người tiêu dùng khi đến tham quan mua sắm, đồng thời cũng thiết lập phương án phòng cháy chữa cháy, đưa nhân viên tham gia các lớp tập huấn về Phòng cháy chữa cháy để có đủ kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra cháy nổ. Ngoài ra, vấn đề vệ sinh môi trường cũng cần được Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đưa ra phương án xử lý rác thải hàng ngày của cơ sở bán lẻ, xử lý hàng kém chất lượng, hết thời hạn sử dụng.
    • Khả năng đóng góp của cơ sở bán lẻ đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực thị trường địa lý, cụ thể:
      • Tạo việc làm cho lao động trong nước.
      • Đóng góp cho sự phát triển và hiện đại hóa ngành bán lẻ trong khu vực thị trường địa lý: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần nêu rõ lợi ích hàng hóa mang lại hiệu quả đến ngành bán lẻ tại khu vực như thế nào.
      • Cải thiện môi trường và điều kiện sống của dân cư trong khu vực thị trường địa lý: việc lập cơ sở bán lẻ này có thay đổi được thói quen người tiêu dùng hay không và có tác động lớn đến môi trường và cũng như cuộc sống của người dân địa phương tại khu vực đó hay không.
      • Khả năng và mức độ đóng góp cho ngân sách nhà nước: Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài cần đưa ra những kế hoạch về mức thuế đóng góp vào ngân sách nhà nước để Hội đồng ENT thấy được tiềm năng của cơ sở bán lẻ và cũng là tiêu chí để đánh giá sự phù hợp lập cơ sở bán lẻ.

    Sau khi đánh giá các tiêu chí trên, Hội đồng ENT sẽ xem xét sự phù hợp hoặc không phù hợp của địa điểm lập cơ sở bán lẻ để Chủ tịch Hội đồng ENT có văn bản kết luận đề xuất cho phép hoặc không cho phép lập cơ sở bán lẻ tại địa điểm đó.

     

     

    Tin liên quan

    27 January

    Luật Doanh nghiệp năm 2020 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 với nhiều nội dung thay đổi đáng kể liên quan đến người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.

    27 January

    Điều kiện kinh doanh bất động sản từ 01/01/2021 Luật Đầu tư 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021) với nhiều điểm mới nổi bật, trong đó sửa đổi điều kiện kinh doanh bất động sản tại Luật Kinh doanh bất động sản 2014.
    Call now Nhắn tin ZaloChat Zalo Facebook